Silent Treatment là gì?
Nếu một ngày đẹp trời bạn bỗng bị block mà không hiểu lý do hay đang lúc có mâu thuẫn thì “người ấy” cứ im im, hỏi thì không nói, không chịu giải quyết vấn đề, bạn phải xuống nước quỳ lạy, năn nỉ thiếu điều muốn “tế sống”, “tụng kinh” spam mỗi ngày thì bạn ấy mới chịu mở mồm. Thì đúng là dấu hiệu của nó rồi đó!
Silent Treatment là hành vi mà một người tỏ ra không quan tâm, không nói chuyện hoặc không tương tác với người khác trong một khoảng thời gian dài, coi đó như một hình phạt hoặc cách để thể hiện sự tức giận, sự bất đồng. Đây là một hành vi giao tiếp tiêu cực và có thể gây những tác động độc hại cho các mối quan hệ.
Lý do khiến Silent Treatment trở nên độc hại
Silent Treatment là một hình thức giao tiếp tiêu cực và có thể gây tổn thương tâm lý và đe dọa mối quan hệ.
- Gây căng thẳng và lo lắng: Người nhận Silent Treatment thường cảm thấy lo lắng, bất an và không biết nguyên nhân của sự im lặng. Việc không biết nguyên nhân và không thể giải quyết vấn đề còn tăng thêm căng thẳng và lo lắng cho người bị ảnh hưởng.
- Không giải quyết vấn đề: Thay vì tìm cách giải quyết một vấn đề hoặc thảo luận với người khác, Silent Treatment chỉ tạo ra sự tắc nghẽn trong việc giao tiếp và không giải quyết vấn đề gốc rễ. Nó hình thành một hình thức giao tiếp không hiệu quả và không gắn kết.
- Mất kết nối và đe dọa mối quan hệ: Silent Treatment tạo ra một khoảng cách và cắt đứt giao tiếp giữa hai người. Điều này có thể khiến người bị áp dụng Silent Treatment cảm thấy bị bỏ rơi, cô đơn, và lạc lõng. Bạn nào tâm lý yếu mà bị Silent Treament thì coi như xong luôn, cảm giác còn khổ sở hơn là cãi nhau 1 trận to nữa.
- Gây tổn thương tâm lý: Silent Treatment có thể ảnh hưởng đến lòng tự trọng, sự tự tin và sức khỏe tâm lý đối với người bị ghẻ lạnh. Nó có thể tạo ra cảm giác vô giá trị và đánh mất lòng tin vào người áp dụng Silent Treatment.
Ghét ha!
Một số hiểu lầm về Silent Treatment
Im lặng để “tiêu hoá” và suy nghĩ trước khi phản ứng hay giao tiếp về một vấn đề không phải là Silent Treatment. Hành động này thường được áp dụng nếu người ấy làm phật ý mình một xíu thì có thể dùng cách im lặng để đối xử với họ. Mục đích là che giấu cảm xúc, bảo vệ cảm xúc cá nhân và của người kia vì sợ lúc nóng giận lại nói những lời làm tổn thương người khác nên đành im lặng. Đến khi bản thân cảm thấy ổn hơn, bình tĩnh hơn thì bắt đầu nói chuyện để giải quyết vấn đề. Quan trọng là hãy cho nhau biết là bản thân mình cần thời gian để xử lý những suy nghĩ, cảm xúc trước khi sẵn sàng giải quyết nó với đối phương.
Văn mẫu nè:
Em/anh cần một chút thời gian để bình tĩnh lại và suy nghĩ về vấn đề này. Lúc nào sẵn sàng, em với anh sẽ có một cuộc nói chuyện nghiêm túc với nhau nha.
Giống như vụ drama của 2 cô bạn thân bóc phốt nhau ầm ĩ trên mạng mấy ngày nay. Lúc thân nhau thì chị chị, em em kể hết những bí mật cho nhau nghe, còn lúc nghỉ chơi thì lại kể hết cho cả nước cùng biết tật xấu của nhau. Nên việc im lặng rồi từ từ giải quyết vấn đề cũng là 1 cách hay còn hơn cùng “dìm” nhau xuống như vậy.
Ngược lại, Silent Treatment không đơn thuần như thế mà nó còn gay gắt hơn nhiều, mục đích của nó như bạo lực lạnh, hành hạ kẻ khác bằng sự im lặng và mất tích. Nó muốn nạn nhân phải đau khổ, dằn vặt, nghĩ mình làm sai, cắn rứt và khó chịu. Việc bạn im lặng để tránh làm tổn thương người khác là còn suy nghĩ cho cảm xúc và cảm nhận của đối phương trong khi Silent Treatment ích kỷ hơn, nó sẽ mặc kệ đối phương, coi họ như không khí, không quan tâm đến cảm nhận của họ.
Cách đối phó Silent Treatment
Có thể người đó chỉ bất an, sợ hãi, hoặc không biết cách biểu đạt cảm xúc nên vô tình áp dụng Silent Treatment với bạn. Vì thế, bạn có thể giúp họ nhận thức về hành vi của họ là sai, để họ hiểu rằng đó không phải là một cách lành mạnh để giao tiếp. Việc phớt lờ hoặc từ chối tương tác có thể gây ra tổn thương và làm tăng xung đột trong mối quan hệ.
Mối quan hệ đi lên nhờ sự thấu hiểu nên việc cứ giữ im lặng sẽ chẳng thể giải quyết vấn đề. Thay vì trốn tránh xung đột bằng cách im lặng, hãy học cách đối mặt với nó, nên lịch sự và tôn trọng người khác, tìm hiểu quan điểm của nhau và cố gắng cùng nhau tìm ra giải pháp. Khi người khác muốn thảo luận với bạn hoặc bày tỏ cảm xúc của họ, hãy lắng nghe một cách chân thành và quan tâm. Đặt mình vào vị trí của người khác và cố gắng hiểu quan điểm và cảm xúc của họ.
Ai bảo giao tiếp là dễ, cũng cần phải có sự khôn khéo, cũng phải “uốn lưỡi 7 lần trước khi nói” để tránh gây tổn thương cho người khác. Dù mâu thuẫn có lớn đến đâu thì bạn cũng nên thể hiện cảm xúc của mình một cách lịch sự và tránh sử dụng từ ngữ mang tính sát thương. Còn nếu cảm xúc của bạn đã đạt tới giới hạn rồi, không thể kiềm nén được nữa, nó sắp trào ra rồi thì báo hiệu cho đối phương biết: “Bây giờ mình đang không bình tĩnh, có thể để khi khác nói chuyện không?” Thì có thể họ sẽ hiểu cho bạn và cả hai sẽ ngồi xuống giải quyết khúc mắc cùng nhau sau khi tâm lý đã vững hơn.
Và đó là hết! Chúc các bạn thoát được “kiếp nạn” Silent Treatment của “ai kia” trong bình yên nhé!
Nguồn: Tổng hợp
- Super affordable
- Comes in a pack of 12, so they last a very long time
- The blades feel a bit duller than some of the other options on this list