Cảnh báo: Spoiler. Lời lẽ tác giả khắc nghiệt.
Phim kể về một mối tình tay ba hấp dẫn giữa Lucy (Dakota Johnson) - một "bà mai" thành đạt, thông minh và thực tế, người tin rằng hôn nhân là một cuộc giao dịch sòng phẳng cùng lời tuyên thệ “chỉ cưới chồng giàu, không thì thà chết một mình còn hơn” - và hai người đàn ông: Harry (Pedro Pascal) - vị đại gia hoàn hảo trên giấy tờ nhưng không có tình cảm, và John (Chris Evans) - người tình cũ nghèo khó nhưng đem lại cảm xúc mãnh liệt.
Lucy xuất thân là diễn viên nhưng không thành công, chuyển hướng sang làm nghề mai mối cho những người độc thân đi đến hôn nhân và trở thành một “bà mai” cực kỳ “mát tay”. Với kinh nghiệm làm việc của mình, tiếp xúc đủ loại người, đủ loại yêu cầu trên trời dưới đất, cô rút ra kết luận rằng, “một nửa hoàn hảo” là người có gia cảnh, học vấn tương đương, có mindset tương hợp, ngoại hình tương xứng với đối phương. Như một “dealer” có kiến thức sâu rộng về “hàng hiệu”, Lucy khiến người độc thân ở New York tin rằng họ cần dịch vụ của cô để chạm đến món đồ xa xỉ mà họ hằng mong ước.

Harry là một vị đại gia hoàn hảo, ít nhất là trên những gì anh ấy thể hiện ra: làm tài chính cho công ty tư nhân, giàu đổ tường nứt vách, cao 1m83, bề ngoài toát ra vẻ quyến rũ của một kẻ vừa có học thức, vừa có tiền, có quyền; phong thái bình tĩnh, phong cách ăn mặc tinh tế không phô trương, giọng nói trầm ấm, biết lắng nghe Lucy, biết thả thính đúng nơi đúng lúc với những câu tán tỉnh đi vào trọng điểm, ngắn gọn súc tích, không lê thê bi luỵ sướt mướt. Harry để ý Lucy tại đám cưới của em trai (cũng là khách hàng do Lucy mai mối) trong lúc cô “nhập tâm” vào chiếc “sale pitch” cho dịch vụ mai mối của mình với các chị em độc thân (và chuẩn bị độc thân) tại bữa tiệc.

John là một chàng trai… chả có gì ngoài cái mã: làm bồi bàn thời vụ lương ba cọc ba đồng tại các sự kiện như đám cưới, là diễn viên kịch vô danh mà tài năng chỉ có mỗi Lucy nhìn thấy nhưng thay vì “chịu khó” nhận mọi vai diễn để kiếm tiền và mối quan hệ thì anh lại chê ỏng chê eo những vai diễn quảng cáo không được “art” cho lắm; sống trong căn hộ tồi tàn dơ dáy cùng với 2 tên đàn ông lôi thôi lết thết không công danh sự nghiệp khác, có vấn đề về kiểm soát cơn giận (anger issue) chỉ thể hiện ra với bạn cùng phòng và với cái gương trong nhà tắm nhưng khi gặp Lucy thì thành “soái ca điềm đạm, tâm tịnh như nước”. Nhiều năm về trước, Lucy chia tay John vì John quá nghèo mà lại còn sĩ. Đó là khi John nhất quyết không chịu đỗ xe với giá 25 đô cho 40 phút dù cả hai đã trễ hẹn đặt bàn nhà hàng và nguy cơ sẽ bị phạt 25 đô mỗi người. Lucy đòi trả 25 đô đỗ xe đó, John không chịu nhưng cũng không có tiền đỗ hay phương án tốt hơn. Thế là Lucy chia tay John ngay giữa đường ở New York. Quay về hiện tại, John vô tình gặp lại Lucy khi đang làm bồi bàn cho tiệc cưới mà Lucy tham dự.

Những tư tưởng “thụt lùi” được lãng mạn hoá trong phim “Materialists”
Với một tiền đề hứa hẹn, “Materialists” tưởng chừng sẽ là một bộ phim cổ vũ phụ nữ đấu tranh cho một cuộc sống tốt đẹp hơn. Thế nhưng, dù chạm đến những chủ đề nhạy cảm một cách trực diện, bộ phim lại đưa ra nhiều kết luận đơn giản quá mức, có phần nguy hiểm khi củng cố những định kiến độc hại cho cả hai giới.
Giá Trị Phụ Nữ Nằm Ở "Tấm Chồng": Sự Thắng Thua Vô Nghĩa
Trong phân cảnh các cô phù dâu đến “cầu cứu” Lucy vì cô dâu sắp đến giờ kết hôn rồi vẫn nằm bẹp trên giường khóc bù lu bù loa, một vấn đề được đặt ra. Đó là một “khủng hoảng hiện sinh” khi phụ nữ bắt đầu nhận thức rõ hơn về giá trị của bản thân, hoài nghi về cái khuôn mẫu gò ép họ từ khi mới sinh ra. Rằng liệu có phải sứ mệnh duy nhất trong cuộc đời của phụ nữ là kết hôn với một người đàn ông và sinh con đẻ cái hay không?
Cô dâu: “Giữa biết bao sự lựa chọn để trở thành bất cứ điều gì mà chị mong muốn, chị lại lựa chọn trở thành một cô dâu.”
Lucy: “Thế trong thâm tâm chị, trong suy nghĩ đen tối, xấu xa nhất của chị, điều gì khiến chị muốn cưới anh ấy?”
Cô dâu: “Vì anh ấy khiến em gái chị ganh tị. Em gái chị thấy hôn phu của chị tốt hơn chồng của nó. Hôn phu của chị giàu có hơn, có học thức hơn, đẹp trai hơn, và còn cao hơn nữa. Và điều đó khiến chị cảm thấy lần đầu tiên trong đời, chị thắng nó 1-0”.
Lucy: “À, thế có nghĩa là anh ấy khiến chị cảm thấy chị có giá trị. Đó là lý do chị muốn cưới anh ấy.”
Và thế là cô dâu được hoá giải khuất mắc, vui vẻ tiến vào lễ đường cưới người chồng đáp ứng mọi tiêu chuẩn trên giấy tờ khiến cô tự hào nhưng không mảy may nhắc gì đến việc anh ta và cô ta có yêu nhau hay không, có đối xử tốt với nhau hay không, hay cô dâu đó có nhận thức được giá trị của bản thân là gì nếu không có người chồng kia không. Cách diễn giải của Lucy đã hợp thức hóa một tư tưởng nguy hiểm: “Phụ nữ hơn nhau ở tấm chồng”. Giá trị của người phụ nữ được định đoạt bởi những thuộc tính của người đàn ông mà cô ta sở hữu (sự giàu có, ngoại hình, địa vị). Nó biến hôn nhân thành một cuộc đua ngầm, nơi phụ nữ dùng chồng mình làm thước đo để hãnh diện với đời, thay vì vun đắp cho hạnh phúc và giá trị tự thân. Mọi nỗ lực xây dựng sự nghiệp, sự độc lập tài chính, niềm vui cá nhân bỗng trở nên vô nghĩa nếu không có một "tấm chồng" xịn để khoe khoang.

Nỗi Ám Ảnh Tuổi Tác: Phụ Nữ Trên 30 Là "Hàng Tồn Kho Mất Giá"
Thông điệp về sự mất giá của phụ nữ khi bước qua tuổi 30 được lặp đi lặp lại một cách đầy ám ảnh. Từ những khách hàng nam chỉ tìm phụ nữ dưới 28, cho đến những khách hàng nữ tự ti vì mình đã "quá lứa", và đỉnh điểm là lời tự thú của chính Lucy với Harry:
Em và anh quá khác nhau. Anh sinh ra đã ở vạch đích. Giàu có, cao ráo, đẹp trai, có học thức, địa vị, ăn nói thú vị. Anh quá hoàn hảo, 10 điểm không có nhưng. Còn em sinh ra trong gia đình nghèo khó, em phải làm việc, em có nợ, dù làm đến mấy đi nữa vẫn không trả hết nợ. Nếu anh yêu mấy cô 20 tuổi, 10 năm nữa các cô ấy sẽ trông như em, nhưng em 10 năm nữa sẽ trông giống như mẹ anh. Em không phải là cô gái anh sẽ kết hôn. Em là cô gái anh qua đêm một lần và không bao giờ liên lạc lại. Vậy thì anh, sao lại phí phạm thời gian và tiền bạc vào một người như em?
Cuộc hội thoại này phơi bày Imposter Syndrome (Hội chứng Kẻ mạo danh) và nỗi sợ hãi bị xã hội dán nhãn "ế", "mất giá”, mà thực ra nhiều người phụ nữ (trong đó có tôi) cũng bị. Nó đánh vào tâm lý phụ nữ, thúc ép họ phải vội vã kết hôn trước một độ tuổi nhất định, bỏ qua sự sẵn sàng về tâm lý và sự chín muồi trong nhận thức, mà quên mất rằng, phụ nữ ở độ tuổi 30 đang ở giai đoạn rực rỡ nhất: có kinh nghiệm, vốn sống, sự nghiệp và sự ổn định để đưa ra những quyết định trọng đại.

Phụ nữ không thể sống thiếu đàn ông
“Tôi sẽ chết một mình”
“Chắc tôi phải mau chóng tìm một người bạn trai để gọi vào những lúc nguy hiểm thế này”
Đó là những câu nói từ một khách hàng nữ của Lucy sau khi được ghép đôi với một người đàn ông mà sau đó là kẻ đã xâm hại và rồi bám đuôi cô ấy. Vốn dĩ theo tiến trình tự nhiên của tâm lý, cô phải sợ hãi và hoài nghi đàn ông, nhưng ngược lại, cô lại ngay lập tức cảm thấy cần phải có một người đàn ông khác để bảo vệ mình. Thông điệp được cài cắm rất rõ ràng: phụ nữ yếu đuối, không thể tự bảo vệ và cần một người đàn ông để tồn tại, dù mối nguy hiểm cũng đến từ chính... đàn ông.
Phụ nữ chỉ có 2 lựa chọn: Tiền hoặc tình.
Lucy chia tay Harry vì không cảm nhận được tình yêu trong mối quan hệ tưởng chừng như hoàn hảo, “check all the boxes”. Mặc dù cả hai đều đồng tình rằng hôn nhân là như một “cuộc làm ăn” sòng phẳng, Lucy vẫn tin rằng phải có tình yêu ở trong đó. Thế là cả hai đường ai nấy đi. Ok fine. Tôi cũng đồng tình đây là một quyết định đúng đắn. Một khi người phụ nữ có khả năng tự tạo dựng cho họ một cuộc sống đầy đủ và ổn định cả về vật chất lẫn tinh thần, cô ấy không còn quá “ấn tượng” bởi sự giàu có của một người đàn ông để phải bước vào một mối quan hệ mà không có tình yêu.
Thế nhưng, thay vì tiếp tục con đường độc lập, tự chủ và tìm kiếm một đối tác xứng đáng hơn, Lucy lại "quay xe" 180 độ để trở về với John. Một John không hề thay đổi: vẫn nghèo khó, ở bẩn, có vấn đề về kiểm soát cơn giận, không có chí tiến thủ và từng xem thường công việc của cô. Anh ta chỉ có duy nhất "tình yêu", những lời hứa suông và… nhớ được Lucy thích uống Coca-cola với bia! Có lẽ chi tiết nhỏ đó khiến Lucy cảm động. Nhưng có lẽ Lucy cũng đã quên cái lý do tại sao cô chia tay John nhiều năm về trước trên chiếc xe cà tàng của anh ta chỉ vì cãi cọ về 25 đô, lý do tại sao cô cày ngày cày đêm đam mê với công việc để có được cuộc sống sung túc và sự tự tin của ngày hôm nay, lý do tại sao cô tuyên thệ “sẽ chỉ cưới chồng giàu, không thì thà chết một mình còn hơn”. Như thể bị “tẩy não”, đến cuối phim, Lucy thậm chí còn vô cùng hạnh phúc khi quyết định nghỉ việc ngang để cưới John mặc kệ đang trên đà thăng tiến, trên tay là chiếc nhẫn cỏ kết từ bông hoa dại anh ta vặt trong công viên trao cho cô. Cả hai trao nụ hôn nồng thắm trên băng ghế gỗ, trên lưng John là chiếc balo nhét đầy hoa dại, còn trên tay là hai hộp đồ ăn rẻ tiền mua vội trên đường. Và thế là “Happily Ever After”.
Cái kết này như một cú tát vào mọi nỗ lực và nguyên tắc mà Lucy đã xây dựng. Đạo diễn dường như ép buộc cô phải từ bỏ tư tưởng "thực dụng", phải tin vào “một túp lều tranh hai trái tim vàng" đầy phi lý. Lucy phải trở thành hình mẫu người phụ nữ bao dung, vị tha, sẵn sàng gánh vác tài chính, hy sinh thanh xuân để nâng đỡ một người đàn ông không có tương lai, chỉ vì anh ta yêu cô. Tình yêu trong phim được tô vẽ một cách lãng mạn, với niềm hy vọng viển vông rằng chỉ cần có tình yêu, mọi thứ sẽ ổn!

Những thực tế đáng suy ngẫm khiến “Materialists” vẫn cuốn đến phút cuối cùng
Dù cái kết lãng xẹt là thế nhưng “Materialists” vẫn có những điểm sáng cực kỳ đáng nhắc đến khi dám can đảm đi sâu vào những sự thật trần trụi trong mối quan hệ lứa đôi, khiến khán giả phải chiêm nghiệm và suy ngẫm rất nhiều.
You get the love you think you deserve (Bạn nhận được tình yêu mà bạn nghĩ mình xứng đáng)
Một câu nói mang tính tâm lý sâu xa mà ngày xưa tôi không hiểu được nhưng sau khi xem “Materialists”, tôi hiểu nó một cách trọn vẹn. Thử đặt câu hỏi, nếu cú sa chân trong công việc không xảy ra khiến Lucy nghi ngờ năng lực bản thân dẫn đến nghi ngờ toàn bộ giá trị con người mình, liệu cô có quay lại với John hay không?
Từ một cô nàng sắc sảo, có chiều sâu, kinh nghiệm sống thú vị, thực tế, thông minh, giỏi giang, sau cú sốc công việc, toàn bộ IQ lẫn EQ của Lucy lùi về âm vô cực. Cô hành động bốc đồng. Cô mất bình tĩnh, thiếu kiểm soát. Cô bỏ bê bản thân. Cô nghĩ tất cả những gì mình có trước đó là giả tạo, còn sự thảm hại và thất bại này mới là con người thật của cô. Sự sụp đổ từ bên trong khiến cô tin rằng mình chỉ xứng đáng với một tình yêu tầm thường, quen thuộc như John. Điều này lý giải một cách tâm lý học cho lựa chọn khó hiểu của cô, cho thấy sự tự tôn có ảnh hưởng lớn đến việc lựa chọn bạn đời.
Ngoại hình, đặc biệt là chiều cao, vô cùng quan trọng đối với nam giới
“Materialists” khai thác một góc nhìn mới mẻ về tầm quan trọng của ngoại hình của nam giới trong một mối quan hệ. Lâu nay, chúng ta luôn tin rằng chỉ có phụ nữ bị áp lực phải giữ gìn, tân trang nhan sắc thì mới có cơ hội thành công trong tình yêu còn phái nam thì sao cũng được. Nhưng ở trong “Materialists”, ngoại hình, đặc biệt là chiều cao của nam giới, có thể được coi là một “dealbreaker”. Theo “bà mai” Lucy, một anh chàng mét tám sẽ có gấp đôi cơ hội thành công trên thị trường hẹn hò so với một anh chàng mét sáu. Bí mật “đập gãy đôi chân để kéo thêm 15cm” của Harry cho thấy chiều cao có thể là một yếu tố thay đổi cuộc đời, mang lại sự tự tin và cơ hội. Đây là một khoản "đầu tư" đáng giá vào bản thân, cho thấy thị trường hẹn hò cũng có những tiêu chuẩn khắt khe cho cả hai giới.
Phụ nữ có xu hướng tự hạ thấp mình để bảo vệ cái tôi của đàn ông
Lucy luôn cẩn trọng để không làm tổn thương cái tôi của John, trong khi John lại không ngần ngại hạ thấp công việc của cô. Trong một phân cảnh Lucy chia sẻ về khó khăn trong công việc hiện tại, John sau khi trông có vẻ rất lắng nghe và thấu hiểu đã nhìn vào mắt cô và nói: “Chuyện chả có gì to tát cả. Em có phải đang làm cho McKinsey hay gì đâu? Chỉ là hẹn hò thôi mà. Nó không nghiêm trọng đến thế”.
Không hiểu John lấy tư cách gì để xem thường công việc của Lucy như thế trong khi bản thân còn không có được một công việc và chỗ ở đàng hoàng. Nhưng ngược lại, Lucy lại vô cùng cẩn thận không dám thể hiện ý chê bai khi John vẫn đi chiếc xe cọc cạch cũ kỹ như xưa, ở trong căn hộ tồi tàn, tài khoản ngân hàng chỉ có 2000 đô, làm công việc thời vụ không có tương lai với giấc mộng trở thành diễn viên nổi tiếng với cái tôi to oành. Ngay cả khi ở bên Harry – người trân trọng và thấy những giá trị vượt trên mặt vật chất của Lucy – cô vẫn theo phản xạ tự ti và cho rằng mình không xứng đáng. Điều này phản ánh một thực tế đáng buồn về cách phụ nữ phải điều hướng trong các mối quan hệ để không làm "đe dọa" đến người đàn ông bên cạnh.

Kết luận
Bằng cách đặt ra những vấn đề nhức nhối, “Materialists” đã thành công trong việc khơi gợi những cuộc tranh luận cần thiết về tiền bạc, địa vị, giá trị bản thân và tình yêu trong xã hội hiện đại. Phim đã thành công khi "bình thường hóa" những cuộc đối thoại thẳng thắn, sòng phẳng về các khía cạnh vật chất trong hôn nhân.
Tuy nhiên, bộ phim lại gây ra một sự thất vọng lớn khi đưa ra một cái kết lãng mạn hóa thiếu thực tế, gửi đi một thông điệp sai lệch và nguy hiểm: tình yêu đích thực đòi hỏi người phụ nữ phải hy sinh lý trí, sự nghiệp và những tiêu chuẩn của bản thân. Nó lãng mạn hóa một mối quan hệ độc hại, cổ vũ cho sự thụt lùi của phụ nữ dưới danh nghĩa của sự bao dung và tình yêu thuần khiết.
Cuối cùng, câu hỏi lớn nhất mà “Materialists” để lại không phải là "Tiền hay tình?" (vì tôi tin có lựa chọn thứ 3: Hạnh phúc tự thân), mà là: Liệu chúng ta có đang nhân danh tình yêu để chấp nhận một mối quan hệ không xứng đáng, một tình yêu kéo ta đi xuống thay vì cùng nhau đi lên? Đó là điều mỗi khán giả, đặc biệt là những người phụ nữ, cần phải tự trả lời.
Còn bạn, bạn đã xem “Materialists” chưa? Quan điểm của bạn là gì?








- Super affordable
- Comes in a pack of 12, so they last a very long time
- The blades feel a bit duller than some of the other options on this list