Xem thêm:
Dấu hiệu bạn đang bị mụn nội tiết và lời khuyên từ bác sĩ da liễu
Mới nặn mụn xong nên làm gì để không bị thâm và sẹo rỗ?
Mụn bọc là gì? Nguyên nhân và cách điều trị mụn bọc hiệu quả
Mụn là gì mà khiến bất kỳ ai nghe đến tên cũng muốn “né"
Mụn là một vấn đề da phổ biến mà ai ở độ tuổi dậy thì hay đã qua thời đó rồi vẫn phải đối mặt với nó. Còn nếu da bạn chưa bao giờ biết đến chữ mụn thì “trộm vía” nghìn lần nhưng mà vẫn nên đọc qua để phòng tránh vẫn hơn đó!
Mụn là tình trạng khi các lỗ chân lông trên da bị tắc nghẽn bởi dầu, tế bào chết và bụi bẩn. Khi lỗ chân lông bị tắc, vi khuẩn Propionibacterium acnes có thể phát triển gây viêm nhiễm, dẫn đến việc hình thành mụn trên da. Dấu hiệu nhận biết rất đơn giản, đa số mụn là những “nốt” nhô lên trên bề mặt da và thường chứa “chất bẩn” bên trong. Cùng xem mụn có thể gây những ảnh hưởng tiêu cực gì đến bạn nhé!
- Ảnh hưởng đến ngoại hình: Mụn có thể xuất hiện trên khuôn mặt, cổ, lưng và vai, làm cho da trở nên kém sắc và mất thẩm mỹ. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, nó có thể để lại sẹo và vết thâm “cứng đầu” trên da. Điều này có thể làm cho người bị mụn cảm thấy tự ti về ngoại hình của mình.
- Tác động tâm lý: Mụn có thể gây ra tác động tâm lý tiêu cực như cảm thấy xấu hổ, tự ti và lo lắng về việc bị chế giễu hoặc khước từ bởi người khác. Điều này có thể ảnh hưởng đến tinh thần và sự tự tin trong công việc và cuộc sống hàng ngày.
- Cảm giác khó chịu: Nó có thể gây ra ngứa, đau và sưng tại vùng da bị ảnh hưởng. Điều này có thể gây ra cảm giác khó chịu và mất ngủ.
- Tác động về mặt sức khỏe: Đối với một số con mụn hạng nặng có thể gây ra các biểu hiện khác nhau trên cơ thể, bao gồm cả sốt, nhiễm trùng da, nguy hiểm hơn nó còn có thể gây tắc mạch và dẫn đến tử vong.
Mụn có thể xuất hiện ở đâu?
Bất cứ chỗ nào có da hay lỗ chân lông thì đều có nguy cơ có mụn xuất hiện ví dụ như mặt, cổ, tay, vai, lưng, ngực chân, mông, kể cả vùng kín. Tuy nhiên, khu vực thường xuyên chịu đựng những đợt “tấn công” mạnh mẽ nhất của mụn thì thường ở mặt, cổ, vai và lưng. Đây là những vùng da có tuyến dầu nhiều, dễ dẫn đến việc tắc nghẽn lỗ chân lông và hình thành mụn.
Nhận dạng các loại mụn trên da và cách trị mụn
Việc phân biệt mụn giúp các chị em biết mặt “kẻ thù” của mình là ai để còn lựa chọn phương pháp chiến đấu chứ ta nói cái gì cũng chấm hoạt chất “nặng đô” là cái mặt kiểu gì cũng banh, không banh không ăn tiền nè!
Mụn đầu đen trên da
Mụn đầu đen được hình thành khi bã nhờn và tế bào chết tích tụ trong lỗ chân lông, chất cặn bẩn bị oxy hóa khi tiếp xúc với không khí, tạo thành những đốm màu đen. Em này không gây viêm nhiễm và không gây đau nhức, nhưng cũng đừng vì thế mà “lơ” em nó nha nếu không được điều trị và làm sạch đúng cách, nó vẫn có thể bị viêm đó nha!
Cách nhận biết: Kích thước nhỏ, thường là các nốt mụn như đầu đinh ghim, và có màu đen do nhân nó bị oxy hóa. Vị trí thường xuất hiện của em này là trên mũi, trán, hai bên má và có thể thấy trên vai và lưng.
Cách điều trị: Làm sạch là yếu tố tiên quyết để “diệt” em này. Việc làm sạch da đều đặn giúp loại bỏ bã nhờn và tế bào da chết khiến mụn không còn “dưỡng chất” để hình thành được nữa. Bạn có thể sử dụng các sản phẩm chứa thành phần salicylic acid để giúp làm sạch sâu trong lỗ chân lông và ngăn chặn sự bít tắc nhé!
Mụn đầu trắng
Nghe cái tên là biết phân biệt em nó với mụn đầu đen rồi đúng không? Đổi đen thay trắng, thay vì những đốm đen thì bây giờ là những đốm trắng trên da. Mụn đầu trắng có lỗ chân lông bị tắc nhưng không bị oxi hóa, do đó nó không có màu đen.
Cách nhận biết: Mụn đầu trắng bao gồm kích thước nhỏ (1-2mm), màu trắng, nằm sâu dưới bề mặt da và không gây đau nhức. Tương tự như mụn đầu đen, khu vực mũi, trán và cằm cũng là “tụ điểm” tập trung của mụn đầu trắng.
Cách điều trị: Để điều trị em này, cần làm sạch da đều đặn, sử dụng sản phẩm chứa thành phần salicylic acid hoặc retinol để làm sạch sâu lỗ chân lông và giảm bã nhờn.
Mụn ẩn trên da
Đây là loại mụn nằm sâu bên trong da, không gây viêm sưng, đau nhức và không hiển thị trên bề mặt da. Nó không gây đau nhưng vẫn khiến các chị em “khóc thét” bởi makeup kiểu gì cũng không thể che được vẻ sần sùi của em nó.
Cách nhận biết: Em này sẽ khó phát hiện nếu chỉ nhìn bằng mắt thường, để nhận biết nó, bạn có thể sờ tay lên da để cảm nhận sự gồ ghề và sần sùi của nó. Cách khác là sử dụng phương pháp soi da để phát hiện nó.
Cách điều trị: Bạn cần làm sạch da đều đặn, sử dụng sản phẩm chứa thành phần salicylic acid để làm sạch sâu lỗ chân lông và giảm bã nhờn hoặc sử dụng retinol hay peel nếu mụn ẩn của bạn ít.
Mụn bọc
Đây là loại mụn chứa mủ và máu bên trong nhân, nó có thể gây viêm sưng và đau nhức. Em này được sinh ra khi nang lông dưới da bị vỡ, nó đẩy bề mặt da gồ lên và nó thường gây đau nhức, sưng tấy và có thể để lại sẹo sau khi lành.
Cách nhận biết: Mụn bọc có kích thước lớn, có chứa máu và mủ, mọc riêng lẻ hoặc thành từ cụm, đỏ viêm, cứng và đau nhức. "Em này" thường xuất hiện ở vùng mũi trán, má, lưng và ngực.
Cách điều trị: Bạn có thể kết hợp 2 thành phần active này để điều trị nhé! Đầu tiên sử dụng salicylic acid để làm sạch da và giảm vi khuẩn gây viêm và sau đó dùng benzoyl peroxide (BPO) để chấm lên vùng mụn đã bung cồi. Nhớ là đã bung cồi mới được chấm BPO nhé, bạn mà “nôn” chấm sớm sẽ khiến cục mụn dễ bị chai đó nha!
Mụn nhọt
Đây là tình trạng nhiễm trùng da, hình thành dưới da với các nốt mụn sưng, đau và có mủ. Khi mụn nhọt hình thành, da xung quanh nó thường bị viêm và nhạy cảm. Đừng có “dại” mà chạm vào hoặc đè nó ra nặn khi nó mới “nhú” nha, nó có thể gây ra cơn đau “thấu tận trời xanh” luôn đó!
Cách nhận biết: Nốt mụn nhỏ sưng đỏ, kích thước tăng dần, vùng da quanh có màu đỏ, bên trong chứa mủ và nốt mụn có đầu trắng có thể tự vỡ nhân và chảy dịch ra ngoài. "Em này" có thể xuất hiện ở bất kỳ vùng da nào trên cơ thể như vùng da mặt, nách, cổ, mông, đùi,…
Cách điều trị: Sử dụng sản phẩm chứa hoạt chất như benzoyl peroxide hoặc salicylic acid có thể giúp giảm vi khuẩn và làm sạch da. Ngoài ra, trong trường hợp mụn nhọt trở nên nghiêm trọng và khó điều trị, tìm kiếm sự tư vấn và điều trị từ chuyên gia da liễu để đảm bảo hiệu quả và không bị tái phát nữa.
Mụn đinh râu trên da
Đây không còn là những con mụn “lớt phớt” ở trên nữa mà nó được coi như 1 bệnh lý nghiêm trọng trên da. Nếu không điều trị kịp thời, nó có thể gây nhiễm trùng da làm lây lan ra các xoang mặt, nguy hiểm hơn nó có thể dẫn đến tắc mạch gây tử vong.
Cách nhận biết: Ban đầu, mụn sẽ xuất hiện là một vết sưng đỏ ở gốc sợi râu, sau đó có mủ và ngòi đen tương tự như đầu đinh. Khi chạm vào, bạn có thể cảm nhận được sự nóng và đau nhức. Nếu tình trạng nặng, nó có gây thể sưng phù và sốt cao.
Cách điều trị: Để “diệt” mụn đinh râu, có thể sử dụng cồn iod và kem kháng sinh để giảm viêm. Nếu mụn nhỏ, để nó tự chín và tự vỡ, sau đó sử dụng dụng cụ y tế vô khuẩn và làm sạch xung quanh. Nếu mụn đã vỡ và để lại thâm sẹo, có thể sử dụng thuốc chống sẹo và mỹ phẩm chống thâm.
Mụn nang
Mụn nang phát triển từ sâu bên trong da thành những nốt sưng đỏ như những khối u trên bề mặt da, chứa đầy dịch mủ và gây đau nhức. Nguyên nhân có thể do việc tích tụ bụi bẩn, bã nhờn, lạm dụng mỹ phẩm và rối loạn nội tiết gây viêm nang lông.
Cách nhận biết: Kích thước lớn (trên 5mm), nổi gồ lên trên da, đau nhức “dữ dội” và chứa nhiều dịch, mủ.
Cách điều trị: Các bạn có thể sử dụng các loại thuốc kháng sinh kết hợp với các sản phẩm bôi trị mụn chứa thành phần như retinol và Acid Salicylic. Trong trường hợp bị mụn nang nặng do di truyền, có thể sử dụng các loại thuốc ức chế miễn dịch như Spironolactone.
Mụn thịt trên da
Mụn thịt là những cục u nhú nhỏ nhỏ không gây đau nhức nhưng khiến da sần sùi và mất thẩm mỹ. Và với độ ghồ ghề của em nó thì không có bảng triệt sắc hay kem che khuyết điểm nào đủ “thần thánh” để có thể che nỗi em nó.
Cách nhận biết: Mụn thịt có kích thước nhỏ, từ 1-3mm và có thể mọc riêng lẻ hoặc thành từng cụm. Nó thường có màu tiệp hoặc hơi ngả vàng so với da, không viêm, không sưng, không đau nhưng có thể gây ngứa. Em nó có thể xuất hiện ở mọi vị trí trên cơ thể, phổ biến nhất là vùng mắt, má, trán, cổ, nách, ngực, bụng,…
Cách điều trị: Sử dụng các loại kem, mỡ hoặc gel chứa thành phần salicylic acid hoặc retinol có thể giúp làm mờ và giảm kích thước của mụn thịt. Tuy nhiên nếu bạn muốn trị dứt điểm thì có thể cân nhắc đến sử dụng laser hoặc tìm kiếm sự tư vấn và điều trị từ bác sĩ da liễu. Bác sĩ có thể đề xuất các phương pháp điều trị khác như tiêm corticosteroid trực tiếp vào mụn thịt để giảm viêm, hoặc thực hiện quy trình gây tê định vị để loại bỏ nó một cách an toàn và hiệu quả.
Mụn cóc
Mụn cóc thường không gây đau nhưng trong một số trường hợp, nó có thể gây ngứa hoặc khó chịu, đặc biệt khi nằm ở vị trí nhạy cảm như môi, mắt cá chân hoặc vùng sinh dục. Khi bị ngứa, người bệnh thường có xu hướng gãi hoặc cào, dẫn đến tổn thương da hoặc lây nhiễm vi khuẩn.
Cách nhận biết: Nốt mụn sần sùi nhỏ hoặc to hơn, có màu như màu da hoặc mày trắng, và có cảm giác da thô ráp khi sờ vào. Đa số em này thường mọc ở tay và chân hơn các vùng da khác.
Cách điều trị: Bạn có thể sử dụng thuốc dưới dạng thuốc mỡ hoặc thuốc chứa thành phần axit salicylic hoặc imiquimod. Hay bạn có thể sử dụng công nghệ laser tiên tiến hay các liệu pháp đông y như thuốc bắc, thuốc nam hoặc nhổ mụn cóc bằng kim tiêm để điều trị tình trạng này.
Cách ngăn ngừa mụn “ghé thăm"
- Vệ sinh da đều đặn: Rửa mặt hai lần mỗi ngày bằng một sản phẩm làm sạch da dịu nhẹ và không gây kích ứng. Tránh sử dụng xà phòng cứng hay sản phẩm chứa hóa chất “mạnh bạo”, vì nó có thể làm khô da và gây tăng tiết dầu.
- Sử dụng sản phẩm chăm sóc da phù hợp: Chọn các sản phẩm chăm sóc da không chứa dầu và không gây tắc nghẽn lỗ chân lông để giữ da được mềm mịn, đủ ẩm mà không gây đổ dầu.
- Tránh chạm tay vào mặt: Tuyệt đối không chạm tay vào mụn hoặc vùng da bị mụn. Việc chạm tay vào mặt có thể lan truyền vi khuẩn và gây viêm nhiễm, cũng như làm tăng nguy cơ để mụn bị nhiễm trùng nữa đó!
- Không nặn mụn: Dù có cảm giác muốn nặn mụn để giảm sưng và đau, nhưng nó có thể gây viêm nhiễm và để lại sẹo. Hãy để mụn tự chảy mủ hoặc tham khảo ý kiến của chuyên gia da liễu để loại bỏ mụn an toàn. Bạn có thể bỏ túi một số tips không nặn mụn này nhé!
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh: Một số nghiên cứu nói rằng chế độ ăn uống có thể là nguyên nhân gây ảnh hưởng đến tình trạng da và mọc mụn. Hạn chế đường, thức ăn nhanh, mỡ và sản phẩm sữa có thể giúp giảm nguy cơ bị mụn.
- Tránh căng thẳng: Căng thẳng có thể gây ra sự gia tăng hormone gây mụn. Hãy tìm cách giảm “xì trét” bằng cách tham gia vào các hoạt động thể dục, yoga,…
- Thay đổi gối và khăn mặt thường xuyên: Gối và khăn mặt là nơi tích tụ của vi khuẩn, dẫn đến tắc nghẽn lỗ chân lông. Nếu “siêng” thì thay đổi gối và khăn mặt hàng ngày hoặc ít nhất là hai lần mỗi tuần nhé!
- Bảo vệ da khỏi các tác nhân bên ngoài: Nhớ bôi kem chống nắng phổ rộng hàng ngày để bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời và tia UV nhé! Đồng thời, hạn chế tiếp xúc với ô nhiễm môi trường bằng cách tránh ra khỏi nhà trong những ngày thời điểm ô nhiễm cao hoặc đeo khẩu trang khi cần thiết.
- Hạn chế trang điểm: Tránh makeup quá đậm hay quá dày trên da và chọn các sản phẩm lành tính, không gây tắc nghẽn lỗ chân lông. Hãy đảm bảo làm sạch da thật kỹ và loại bỏ trang điểm trước khi đi ngủ.
- Kiểm tra hormone: Nếu mụn trên mặt kéo dài hoặc trở nên nghiêm trọng, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để kiểm tra hormone. Sự thay đổi hormone có thể là nguyên nhân gây mụn, và bác sĩ có thể đề xuất phương pháp điều trị phù hợp.
Và thế là “tiết học” cơ bản về đủ các thể loại mụn đã xong. Nếu bạn còn thắc mắc hay có câu hỏi nào về vấn đề này thì đừng ngại nhắn cho 3x5 biết với nhé!
Nguồn: Tổng hợp
- Super affordable
- Comes in a pack of 12, so they last a very long time
- The blades feel a bit duller than some of the other options on this list