Những sự lựa chọn trong đời sống tình yêu không phải lúc nào cũng dễ dàng đối với Gen Z. Bạn đã từng mơ ước vừa được tận hưởng một cuộc sống tự do như một người độc thân, nhưng cũng không muốn bỏ lỡ cảm xúc được gắn kết và sẻ chia cùng ai đó vào mỗi cuối tuần chưa? Nếu có thì “hôn nhân cuối tuần” sinh ra là dành cho bạn.
Hôn nhân cuối tuần là gì?
Khi những cá thể tự do “kết dính” trong tình yêu.
Đúng như tên gọi, hôn nhân cuối tuần (shumatsukon) cho phép bạn và “người ấy” chỉ gặp nhau trong một hoặc hai ngày vào cuối tuần, trong khi những ngày còn lại, mỗi người có quyền sống độc lập như khi còn độc thân. Điều này mang đến một sự cân bằng giữa cuộc sống cá nhân và tình yêu, cho phép bạn tận hưởng những lợi ích của cả hai thế giới: tự do của cuộc sống độc thân cùng với sự kết nối và niềm vui trong tình yêu. Hiện tượng này đã trở thành xu hướng phổ biến của giới trẻ Nhật Bản và đang lan tỏa trên toàn cầu.
Nghe cũng “thích thích” nhỉ vừa giữ được nếp sống cũ không bị “xáo trộn” quá nhiều bởi đời sống hôn nhân với “nửa kia”.
Nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này
Khởi nguồn của hiện tượng này từ một số vấn đề phổ biến trong các mối quan hệ hiện đại.
- Dễ chán và “kiếm chuyện”: Một số người có xu hướng trở nên dễ chán trong một mối quan hệ dài hạn, vì cảm thấy nhàm chán và mất đi sự hứng thú khi gặp gỡ "người ấy" quá thường xuyên, đôi khi trông hơi “ghét ghét” khi phải gặp họ. Điều này có thể dẫn đến sự mệt mỏi và dễ xảy ra xích mích trong quan hệ.
- Thiếu không gian riêng: Khi hai người luôn "kè kè" bên nhau, không có không gian riêng, điều này có thể gây ra cảm giác bức bối và hạn chế về mặt cảm xúc. Mỗi người đều bận rộn với công việc và cuộc sống của cá nhân, nên họ muốn có không gian riêng để làm việc hay đơn giản đôi khi chỉ muốn ở một mình.
- Không muốn "vỡ mộng": Khi gặp “người ấy”, ai cũng đều muốn thể hiện mặt tốt nhất của mình với họ nên khi dắt tay về chung một nhà nhiều cặp đôi phải “vỡ mộng” bởi đối phương. Thực tế là đôi khi họ có thể hơi bày bừa, có nhiều thói xấu hơn bạn nghĩ và khung giờ sinh hoạt hay lối sống cũng khác biệt nên khi kết hợp cuộc sống của cả 2 lại thì cứ “loạn cào cào” cả lên. Sự khác biệt trong lối sống và sinh hoạt hàng ngày có thể gây mâu thuẫn và tranh cãi trong mối quan hệ, đặc biệt khi sống chung. Điều này càng trở nên phức tạp hơn nếu bạn bước vào cuộc sống "làm dâu, ở rể.”
Để giải quyết những thách thức này và vì nhu cầu sau khi kết hôn vẫn giữ được nếp sống thường ngày của mình, không bị “đảo lộn” bởi cách sống và thói quen sinh hoạt của đối phương thì “hôn nhân cuối tuần” đã ra đời.
Châm ngôn: Hôn nhân không nhất thiết là phải sống cùng nhau
Minh chứng “sống”
Không hề nói chơi, một gia đình Takeda ở Nhật Bản là một gia đình điển hình cho hiện tượng “hôn nhân cuối tuần”.
Hiromi và Hidekazu, cặp vợ chồng trong gia đình này, cùng đứa con mới biết đi sống ở hai ngôi nhà riêng biệt, cách nhau khoảng 1 giờ lái xe và em bé sống với mẹ của mình. Lý do cho lựa chọn sống như vậy là do thói quen hàng ngày khác biệt của họ. Hiromi là huấn luyện viên và chủ phòng tập thể dục, thức dậy sớm và bắt đầu công việc từ sáng sớm. Trong khi đó, Hidekazu là nhà tư vấn kinh doanh, thức dậy muộn hơn.
Theo lời kể của Hidekazu, Hiromi là người làm việc không ngừng nghỉ, vừa làm việc nhà vừa lo công việc kinh doanh. Hidekazu cảm thấy tội lỗi khi chỉ lảng vảng xung quanh không giúp được gì trong khi vợ anh làm việc chăm chỉ. Hiromi cũng cho biết cô cảm thấy căng thẳng và mất tự do cá nhân nếu sống cùng chồng. Tuy nhiên, dù sống cách xa nhau, cả Hiromi và Hidekazu vẫn giữ tình yêu và sự tôn trọng nhau. Hidekazu thường đến thăm Hiromi và đứa con của họ 2-3 lần mỗi tuần, nhưng không ngủ lại.
Tất nhiên sẽ có rất nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh cuộc sống của gia đình này. Hàng xóm của họ nghĩ rằng họ đã ly thân hoặc ly hôn, còn bạn bè cũng thương tiếc rằng Hidekazu cưới vợ làm gì nếu không được ai chăm sóc cũng như giặt giũ và nấu ăn cho. Hiromi và Hidekazu vẫn tin rằng sống cách nhau không ảnh hưởng đến mối quan hệ của họ. Đối với họ, họ hài lòng với cuộc sống hiện tại và lựa chọn một hôn nhân linh hoạt giúp duy trì lối sống cá nhân và đồng thời có sự hỗ trợ tinh thần từ người còn lại.
"Hôn nhân cuối tuần" đem lại sự linh hoạt cho cuộc sống của các cặp vợ chồng, cho phép họ duy trì lối sống cá nhân mà không cần phải thỏa hiệp quá nhiều trong các khía cạnh về sự nghiệp, sở thích và thói quen của nhau.
“Hôn nhân cuối tuần” cũng có cái hay
Ít gặp gỡ, tình yêu trở nên quý giá hơn. Sự hiếm hoi sẽ kích thích tình yêu, đôi khi gặp gỡ quá nhiều dễ đâm ra chán.
Vì dành ít thời gian cho nhau hơn nên khả năng xảy ra cãi vã cũng giảm đi. Những cuộc hôn nhân cuối tuần cũng mang lại nhiều thời gian chất lượng hơn vì cả hai người đều tràn đầy năng lượng hơn và ít bận tâm hơn đến công việc hoặc những trách nhiệm khác vào cuối tuần. Hai ngày gắn bó được cho là có giá trị hơn 7 ngày ở chung một mái nhà nhưng vẫn chưa thể kết nối do không có thời gian dành cho nhau.
Cuộc sống hôn nhân của giới trẻ ngày nay rất dễ dẫn tới xích mích vì không thể hòa hợp được lối sống và sinh hoạt của nhau. Phái nữ ngày nay không còn phải “ru rú” trong nhà để làm những công việc nội trợ nữa mà họ cũng có công việc riêng của mình. Ngày càng có nhiều hộ gia đình có thu nhập kép - gia đình mà cả hai vợ chồng đều làm việc toàn thời gian, và phụ nữ lựa chọn không từ bỏ sự nghiệp sau khi kết hôn.
Với “hôn nhân cuối tuần”, bạn có thể giữ được nếp sống cá nhân, điều chỉnh thời gian và không gian theo ý muốn của mình. Bạn có thể tận hưởng những sở thích riêng, dành thời gian cho bạn bè, sự nghiệp và những hoạt động mà bạn đam mê.
Đồng thời, bạn có thể khám phá mức độ mới về tình yêu. Vào cuối tuần, bạn cũng có thể chia sẻ những khoảnh khắc đặc biệt cùng “người ấy”, tìm hiểu và xây dựng mối quan hệ yêu thương. Nó tạo ra một không gian linh hoạt và sáng tạo, nơi bạn có thể xây dựng một mối quan hệ theo cách riêng của bạn, không bị ràng buộc bởi những khuôn khổ truyền thống.
Nhưng cũng có cái chưa hay…
Nếu cả hai chưa có con cái và thích bận rộn với nhiều mối quan hệ và mối quan tâm xung quanh, “hôn nhân cuối tuần” nghe có vẻ cũng lý tưởng. Nhưng nếu cả hai đã có con rồi thì sao nhỉ? Liệu cha mẹ có sắp xếp được thời gian để cùng chăm sóc con cái hay không?
Như ví dụ của cặp vợ chồng ở trên, người cha chỉ xuất hiện 2-3 lần để thăm con, còn lại đứa bé sẽ ở với mẹ. Liệu như vậy có đủ gắn kết gia đình? Nếu bạn là đứa bé, bạn sẽ thích có cả cha lẫn mẹ hay chỉ có cha hoặc mẹ vào cuối tuần thôi? 2-3 tuần một lần liệu đứa bé có thể cảm nhận được tình yêu thương đầy đủ từ cha mẹ? Có thể lấy cha mẹ mình để làm hình mẫu cho gia đình tương lai?
Thiếu vắng hình bóng của người cha (hoặc người mẹ) trong gia đình có thể khiến đứa bé mất đi cơ hội được học những kỹ năng, tư duy mà chỉ chính người cha (hoặc người mẹ) đó mới có thể đáp ứng, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp, hoà nhập và sống chung với người khác. Tất nhiên không phải lúc nào hai cũng tốt hơn một. Nếu cặp đôi không hề hạnh phúc và hoà thuận thì tốt nhất nên tách nhau ra để bớt ảnh hưởng tiêu cực đến đứa trẻ.
Bên cạnh ảnh hưởng đến việc nuôi dạy con cái, hôn nhân cuối tuần cũng "nhân đôi" chi phí sinh hoạt. Thay vì cùng "góp gạo thổi cơm" thì giờ cả hai tự chi trả những khoản chi phí riêng hệt như lúc độc thân nên có vẻ không tiết kiệm được nhiều hơn nếu ở chung với nhau.
Thế còn bạn thì sao? Nếu bạn kết hôn rồi thì bạn có muốn thử "hôn nhân cuối tuần" không? Còn nếu đang "single but not available" thì bạn thuộc tuýt người thích “dính” người yêu mình 24/7 hay gặp nhau 2 ngày 1 tuần là đủ cho tình yêu của bạn? Hãy để 3x5 lắng nghe suy nghĩ của bạn nhé!
Tham khảo: 'Hôn nhân cuối tuần' ngày càng phổ biến ở Nhật Bản - thisishervn
- Super affordable
- Comes in a pack of 12, so they last a very long time
- The blades feel a bit duller than some of the other options on this list